Mình đang ở thời điểm mà gọi nôm na là khủng hoảng tuổi băm. Chiêm nghiệm nhiều vấn đề, rút ra nhiều bài học về cuộc sống. Suy nghĩ nhiều, nói dai, viết dài (cứ vòng vo mãi mà không thoát ra được ý, vừa dở văn, vừa thiếu kinh nghiệm sống nó khổ vậy đấy). Chục năm về trước thì khủng hoảng tuổi hăm (hâm), ngây thơ, cả tin, tràn đầy nhiệt huyết, hoài bão, dễ bị tổn thương và hay vô tình làm tổn thương người khác. Cũ hơn nữa thì lại có khủng hoảng tuổi dở hơi, sáng nắng chiều mưa không biết đường nào mà lần, cái tuổi ngựa non háu đá, thích thể hiện nhưng lại lãng mạn và đa tình.
Trong năm đầu tiên, một đứa trẻ sẽ trải qua những mốc cơ bản sau: 3 tháng (lẫy, trườn, bò), 6 tháng (ngồi, ăn dặm), 9 tháng (tập đứng, tập hóng), 12 tháng (đi lẫm chẫm, nhiều chuyện). Con mình được 2 tuổi và mình nhận ra thêm 2 mốc chính nữa 17 tháng (nhẩy phắt lên thành cũi, quặp chặt vào và trèo ra khỏi cũi, nhất định không quay trở lại), 24 tháng (một ngày đẹp trời khi tròn 2 tuổi, con chợt nhận ra rằng bấy lâu mình đâu có thích ăn rau, toàn bị ép ăn nên dõng dạc bảo mẹ “no green” khi mẹ gắp rau bỏ vào thìa cho con tự ăn, con cũng nói rõ với mẹ “I don’t want to poo poo” khi mẹ cho ngồi bô, mấy câu khác chưa sõi đâu, nhưng những câu mà bạn ấy thấy cần dùng thì nói rất rất sõi, từng âm một. Nghĩ lại thấy tội mấy đứa nhỏ chưa biết nói nhỉ. Đói rã họng mà chưa cho ăn, hay bụng đau muốn chết mà cứ đưa bình sữa vào miệng bắt uống, chỉ biết khóc vật vã, nhiều khi gặp phải đúng bố mẹ hổ là bị tét đít như chơi vì cái tội khóc. Nếu là mình, mình cũng khóc tức tưởi chứ nói gì các em ấy).
Đấy là những mốc thời gian mà con thay đổi cả về thể chất lẫn tình cảm, tư duy. Áo tự nhiên thấy chật, quần thì ngắn đi trông thấy, con đòi ăn suốt ngày như bụng không đáy, giấc ngủ không tròn – ngủ vài tiếng hay trắng đêm là chuyện thường. Tâm tính tự nhiên khác hẳn ngày thường, dễ cáu, dễ khóc, đeo mẹ/bố nhằng nhẵng. Và tự nhiên nó lẫy, bò, trườn, mọc răng, đi, nói...Chính sự chuyển cấp về tư duy, nhận thức tại mốc phát triển làm cho trẻ hụt hẫng, khủng hoảng. Bố mẹ đừng vội cho rằng con mình nó hư hỏng, dùng những biện pháp mạnh để loại bỏ sự khác thường này mà phản tác dụng. Vài ngày/tuần và sự đồng hành, thấu hiểu, tiếp cận đúng cách của bố mẹ là cần thiết để trẻ làm quen với cấp độ nhận thức mới.
Chính sự yêu thương của bố mẹ tại thời điểm con cần nhất sẽ xây dựng nên lòng tin nơi con, tin tưởng vào người bạn đồng hành, tin tưởng vào khả năng của bản thân. Và hành trình này, kéo dài suốt cả cuộc đời...
No comments:
Post a Comment